Tuyến tiền liệt có kích thước là bao nhiêu?

Tất cả đàn ông đều có tuyến tiền liệt, một tuyến nhỏ thuộc hệ thống sinh sản, có vai trò sản xuất một số thành phần của tinh dịch. Vậy bạn có biết tuyến tiền liệt bình thường có kích thước là bao nhiêu không và kích thước như thế nào thì là tuyến tiền liệt phì đại? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Kích thước tiền liệt tuyến bình thường

kich-thuoc-trung-binh-cua-tuyen-tien-liet

Ở tuổi trưởng thành, tuyến tiền liệt to như quả óc chó, dẹt. Bước vào những năm 50 tuổi, tuyến lớn dần lên rõ rệt, lúc này, nó có kích thước như một quả chanh (Ảnh minh họa)

Giai đoạn trưởng thành (từ khoảng 20 đến những năm 40 tuổi) là giai đoạn ổn định nhất của tuyến tiền liệt ở nam giới, đây cũng là giai đoạn mà tuyến tiền liệt đạt đến kích thước chuẩn. Ở giai đoạn này, kích thước bình thường của tuyến tiền liệt là 4cm rộng, 3cm cao và 2,5cm dày (to bằng khoảng một quả mơ hay quả óc chó), khối lượng trung bình là 18 gam (nằm trong khoảng 15 tới 25 gam).

Tuyến tiền liệt có xu hướng lớn dần lên theo thời gian, chi tiết về sự phát triển kích thước này như sau:

  • Cuối tuần thứ 11 của thai kì, hệ thống sinh sản của trẻ bắt đầu hình thành, tuyến tiền liệt sơ khai cũng xuất hiện từ đây và liên tục phát triển.
  • Khi trẻ sinh ra, tuyến tiền liệt có kích thước như một hạt đậu.
  • Dậy thì, tuyến phát triển nhanh, kích thước gấp đôi giai đoạn nhi đồng.
  • Đến tuổi trưởng thành (từ 20 tuổi đến giữa những năm 40 tuổi), tuyến tiền liệt ở giai đoạn ổn định, với kích thước rộng x dài x cao là 4x3x2,5 cm, to bằng khoảng một quả mơ.
  • Những năm 50 tuổi, tuyến lại bắt đầu phát triển, có thể đạt tới kích thước như một quả chanh hay một quả bóng tennis, trọng lượng hơn 25 gam, có thể lớn trên 100 gam theo thời gian. Hiện tượng tăng trưởng về kích thước này của tuyến tiền liệt khi đàn ông có tuổi còn gọi là tăng sản tuyến tiền liệt lành tính hay u xơ tuyến tiền liệt.

Kích thước phì đại tiền liệt tuyến

kich-thuoc-phi-dai-tien-liet-tuyen

Bên trái: Kích thước tuyến tiền liệt bình thường, bên phải: tuyến tiền liệt phì đại

Kích thước phì đại tuyến tiền liệt khác nhau ở mỗi người đàn ông, có người chỉ lớn hơn kích thước trung bình một chút nhưng cũng có người phát triển đặc biệt lớn, trên 80 g, tới tận 100 g. Hơn thế nữa, theo thời gian, đàn ông càng lớn tuổi, kích thước tuyến tiền liệt cũng lại càng to hơn.

Người ta phát hiện ra kích thước phì đại của tuyến tiền liệt sẽ tăng dần theo độ tuổi, tóm lược như sau:

  • Nhóm 41 đến 50 tuổi, kích thước phì đại tiền liệt tuyến trung bình là 45 cm3 (khoảng 37,5 g)
  • Nhóm 51 đến 60 tuổi, kích thước phì đại tiền liệt tuyến trung bình là hơn 40 cm3 (khoảng 33,3 g)
  • Nhóm 61 đến 70 tuổi, kích thước phì đại tiền liệt tuyến trung bìnhi từ 21 đến 175 cm3 (khoảng 17,5 đến 145,8 g).

Vì thế, ta có thể hiểu cơ bản là, tuyến tiền liệt được xác định là phì đại khi nó lớn hơn kích thước tuyến ở tuổi trưởng thành.

Hiểu về sự thay đổi kích thước của tuyến tiền liệt

kich-thuoc-phi-dai-tien-liet-tuyen-1

Kích thước tuyến tiền liệt không liên quan đến độ nặng nhẹ của bệnh u xơ tuyền tiền liệt (Ảnh minh họa)

Tuyến tiền liệt có xu hướng phát triển lớn dần lên theo tuổi tác, y học gọi sự tăng trưởng này là u xơ tuyến tiền liệt, tăng sản tuyến tiền liệt hay phì đại tuyến tiền liệt. Đây là sự tăng trưởng lành tính, không tiến triển thành ung thư hay làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này của tuyến có thể khiến niệu đạo bị chèn ép và gây ra các vấn đề trong việc đi tiểu.

Đôi khi đàn ông ở độ tuổi 30 tới 40 đã thấy những triệu chứng tiết niệu này và cần được chăm sóc y tế. Nhưng đa phần các triệu chứng thường xuất hiện vào những giai đoạn sau này của cuộc sống, khi nam giới trên 50 tuổi.

Ngoài u xơ khiến tuyến tiền liệt tăng trưởng về kích thước, một nhiễm trùng hay một khối u cũng có thể làm tuyến lớn hơn.

Những thay đổi thường gặp ở tuyến tiền liệt

Thay đổi tuyến tiền liệt không phải là ung thư

Viêm tuyến tiền liệt. Thường gặp ở những người đàn ông trẻ và trung tuổi. Vấn đề này được chia thành 3 loại là: viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn, viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn, viêm tuyến tiền liệt (hội chứng đau vùng chậu mãn tính).
Triệu chứng viêm tuyến tiền liệt thường là:

  • Khó khăn khi đi tiểu;
  • Cảm giác nóng rát hoặc đau nhói, đau khi đi tiểu;
  • Buồn tiểu thường xuyên dù bàng quang chưa đầy;
  • Ớn lạnh và sốt cao;
  • Đau thắt lưng hoặc đau cơ thể;
  • Đau ở bụng, háng hoặc sau bìu;
  • Tiểu ra máu;
  • Đau nhói ở bộ phận sinh dục và trực tràng;
  • Mất ham muốn tình dục;
  • Xuất tinh đau đớn;
  • .v.v.

Một số xét nghiệm, chẳng hạn như DRE và xét nghiệm nước tiểu có thể được thực hiện để kiểm tra xem bạn có bị viêm tuyến tiền liệt hay không. Chẩn đoán chính xác loại viêm tuyến tiền liệt là chìa khóa để có được phương pháp điều trị tốt nhất. Ngay cả khi bạn không có triệu chứng, bạn nên làm theo lời khuyên của bác sĩ để hoàn thành điều trị.

U xơ tuyến tiền liệt. U xơ tuyến tiền liệt không liên quan đến ung thư và không làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt, nhưng các triệu chứng của u xơ tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt có thể tương tự nhau.

Triệu chứng của u xơ tuyến tiền liệt thường là:

  • Tiểu khó, khó bắt đầu để đi tiểu;
  • Đi tiểu thường xuyên hơn, đặc biệt là vào ban đêm;
  • Luôn cảm thấy tiểu rắt tiểu không hết;
  • Thường gặp phải tình trạng buồn tiểu khẩn cấp và không thể kìm hãm cơn buồn tiểu;
  • Dòng nước tiểu yếu hoặc chậm;
  • Tiểu ngắt quãng;
  • Cảm thấy căng thẳng khi đi tiểu;
  • .v.v.

Ở mức tồi tệ nhất, u xơ tuyến tiền liệt có thể dẫn đến: bàng quang yếu, nước tiểu chảy ngược gây nhiễm trùng bàng quang hoặc thận, bí tiểu cấp tính và suy thận.

Các phương pháp điều trị u xơ tuyến tiền liệt là:

  • Thận trọng chờ đợi
  • Điều trị bằng thuốc
  • Phẫu thuật

Ung thư tuyến tiền liệt

benh-tuyen-tien-liet-o-nam-gioi-1     Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những dạng ung thư phổ biến nhất ở nam giới (Ảnh minh họa)

Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những dạng ung thư phổ biến nhất ở nam giới (Ảnh minh họa)

Ung thư là khi các tế bào bất thường bắt đầu phân chia và phát triển một cách không kiểm soát được. Các tế bào này có thể phát triển thành các mô hoặc cơ quan xung quanh, sau đó nó có thể lan sang các khu vực khác của cơ thể. Ung thư tuyến tiền liệt có xu hướng phát triển chậm hơn so với hầu hết các bệnh ung thư khác. Sự thay đổi tế bào có thể bắt đầu 10, 20 hoặc thậm chí 30 năm trước khi khối u đủ lớn để gây ra các triệu chứng.

Ung thư tuyến tiền liệt thường thường không gây ra triệu chứng gì khi nó mới bắt đầu xuất hiện, khi nó tiến triển, có thể gây ra một số triệu chứng như:

  • Khó tiểu
  • Tăng tần suất đi tiểu, đặc biệt là vào ban đêm
  • Dòng nước tiểu yếu hoặc gián đoạn
  • Đau hoặc rát khi đi tiểu
  • Có máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch
  • Xuất tinh đau
  • Đau ở lưng, hông hoặc xương chậu

Ung thư tuyến tiền liệt có thể lan đến các hạch bạch huyết của khung chậu, hoặc nó có thể lan rộng khắp cơ thể và thường có xu hướng lan đến xương. Vì vậy, đau xương, đặc biệt là ở lưng, có thể là một triệu chứng của ung thư tuyến tiền liệt tiến triển.

Trong hầu hết các trường hợp, ung thư tuyến tiền liệt đều được chẩn đoán trước khi nó di căn đến các cơ quan xung quanh hoặc xương. Và bởi vì các tế bào ung thư tuyến tiền liệt thường phát triển chậm, nhiều bệnh nhân có thể không cần điều trị ngay lập tức, họ chỉ cần giám sát tích cực bằng cách: làm các xét nghiệm PSA thường xuyên, sinh thiết, làm các xét nghiệm khác để xác định xem ung thư có đang phát triển hay không.

Các lựa chọn điều trị khác cho ung thư tuyến tiền liệt bao gồm:

  • Phẫu thuật
  • Hóa trị
  • Xạ trị
  • Liệu pháp hormon
  • Liệu pháp miễn dịch

Kết luận

Tuyến tiền liệt chỉ là một cơ quan nhỏ và nó không quan trọng với sự sống của nam giới, nhưng nó lại rất quan trọng với việc sinh sản. Khi tuyến tiền liệt gặp vấn đề, nó có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống, thậm chí là đe dọa tính mạng người bệnh. Việc hiểu về cơ quan này là cần thiết ở mỗi người, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ nếu bạn gặp bất kì dấu hiệu bất thường nào.

Ý kiến của bạn

Responsive Menu Clicked Image