Giãn tĩnh mạch chân là bệnh lý mãn tính khá phổ biến hiện nay với tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng. Các triệu chứng của bệnh gây khó chịu và đau đớn, làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Để cải thiện bệnh lý, ngoài điều trị bạn cần có chế độ luyện tập thể dục thể thao phù hợp. Sau đây là những bộ môn thể thao tốt cho người suy giãn tĩnh mạch chân mà bạn nên thực hiện mỗi ngày.
Mục lục
Tập luyện các môn thể thao phù hợp và đúng cách sẽ giúp tăng cường lưu thông máu, giảm áp lực tới tĩnh mạch chân, giúp hạn chế các triệu chứng khó chịu mà bệnh gây ra đồng thời tăng cường sức khỏe cho người bệnh. Các môn thể thao mà người suy giãn tĩnh mạch chân không nên bỏ qua đó là:
1. Bơi lội
Bơi lội là môn thể thao tốt nhất cho người suy giãn tĩnh mạch chân, đây cũng là bộ môn mà bác sĩ khuyến khích bệnh nhân nên thực hiện. Những lợi ích mà bơi lội mang đến cho người bệnh phải kể đến như:
- Khi bơi lội thường xuyên thúc đẩy tuần hoàn máu lưu thông khí huyết diễn ra tốt hơn.
- Chuyển động bơi khiến hai chân của bạn không phải chịu nhiều áp lực như các môn thể thao khác trên cạn. Điều này làm giảm áp lực lên tĩnh mạch chân, tăng tuần hoàn máu.
- Tư thế bơi nằm ngang, chân vận động linh hoạt giúp đưa máu về tim hiệu quả hơn. Từ đó, giảm triệu chứng đau nhức, tê bì do suy giãn tĩnh mạch gây ra.
- Bơi lội còn giúp giảm cân, cơ bắp phát triển và tăng cường sức đề kháng.
Bạn nên tham gia 3 – 4 buổi bơi mỗi tuần để cải thiện sức khỏe, hỗ trợ điều trị suy giãn tĩnh mạch chân hiệu quả nhé.
☛ Có thể bạn quan tâm: Người giãn tĩnh mạch có tập gym được không?
2. Đi bộ
Không chỉ với người suy giãn tĩnh mạch chân, mà đối với người bình thường đi bộ mỗi ngày cũng rất tốt cho sức khỏe. Đi bộ là bài tập khá đơn giản và phù hợp với mọi lứa tuổi. Đi bộ không ngững giúp các khớp được vận động mà còn làm tăng sức mạnh cho hệ cơ chân của bạn. Đồng thời, trương lực cơ tăng lên giúp ngăn ngừa tĩnh mạch sâu. Thường xuyên đi bộ mỗi ngày sẽ giúp tần số hô hấp tăng, góp phần luyện tập tim.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, người suy giãn tĩnh mạch cải thiện triệu chứng sau 20 – 30 phút. Tuy nhiên, bạn cũng không nên đi quá lâu gây áp lực lớn lên tĩnh mạch chân, dẫn tới phản tác dụng. Bạn có thể dùng vớ giãn tĩnh mạch khi đi bộ để làm tăng hiệu quả nhé.
3. Đạp xe
Đạp xe là môn thể thao lý tưởng, phù hợp với nhiều độ tuổi cũng như tình trạng bệnh lý. Đạp xe không chỉ giảm áp lực lên chân mà còn giúp cổ chân hoạt động linh hoạt.
Khi đạp xe, hai chân được hoạt động liên tục, khớp gối cùng gân cơ co duỗi nhịp nhàng nên tuần hoàn máu ở 2 chân tốt hơn. Do đó, hiện tượng máu ứ đọng trong lòng mạch cải thiện, giảm áp lực trong lòng tĩnh mạch, cải thiện triệu chứng bệnh.
Ngoài đạp xe, bạn cũng có thể thực hiện các bài tập xe ngay tại nhà của mình. Cách làm khá đơn giản, bạn chỉ cần nằm thoải mái trên sàn, nâng từng chân lên trên không và di chuyển theo chuyển động tròn như động tác đạp xe.
4. Yoga
Một số động tác yoga không chỉ tốt cho sức khỏe xương khớp mà còn rất hiệu quả đối với người suy giãn tĩnh mạch chân. Tư thế giãn chân lên tường hay còn gọi là Viparita Karani giúp tăng tuần hoàn máu lên tim, hạn chế tình trạng tắc nghẽn tĩnh mạch.
Cách thực hiện đơn giản như sau:
- Người bệnh nằm trên sàn
- Đưa chân lên tường cho tới khi cơ thể tạo thành góc vuông với mặt đất
- Nếu không thoải mái có thể kê gối hoặc khăn ở phần lưng của mình.
☛ Đọc thêm: Bị giãn tĩnh mạch chân có nên chạy bộ không?
5. Bài tập khác
Buerger Allen
Bài tập có tác dụng lưu thông máu tới chân, hạn chế tình trạng giãn tính mạch nhờ kiểm soát nhịp nhàng lưu lượng máu tới phần dưới của cơ thể. Cách thực hiện như sau:
- Nằm trên giường, giơ 2 chân lên cao.
- Giữ cho tới khi bàn chân chuyển sang màu trắng nhợt nhạt.
- Ngồi dậy, thả lỏng 2 chân buông thõng xuống mép giường cho tới khi chân bình thường.
- Nằm xuống, duỗi chân để cả người tạo thành 1 đường thẳng.
Nhón gót chân
Mục đích của bài tập giúp tăng cường cơ bắp ở chân, ngăn giãn tĩnh mạch ở các khu vực khác. Bài tập về tăng khả năng giữ thăng bằng, cần chú ý khi tập để tránh chấn thương.
- Đứng ở tư thế bình thường.
- Sau đó, nhón gót, dồn trọng tâm cơ thể vào các ngón chân khi đứng, đếm và giữ 15 nhịp.
- Hạ gót, trở về tư thế ban đầu.
Nâng chân ngang hông
Không chỉ tốt cho người giãn tĩnh mạch chân, bài tập còn hỗ trợ tốt cho phần hông và đùi. Bạn hãy tập theo các bước sau đây nhé:
- Nằm nghiêng qua bên phải, chống khuỷu tay lên mặt sàn để đỡ đầu. Tay trái xuôi theo cơ thể hoặc chống bàn tay xuống sàn.
- Nâng chân trái lên góc tạo 45 độ và giữ trong 10 giây.
- Hạ chân xuống và về lại tư thế ban đầu.
Bài tập ngồi và đứng
Nếu bạn là người bận rộn, không có nhiều thời gian tập luyện có thể thực hiện một số động tác đơn giản như đứng lên và ngồi xuống khi có khoảng thời gian rảnh trong ngày.
Cách thực hiện khá đơn giản, chỉ cần ngồi xuống và đứng lên một cách từ từ. Tuy nhiên, khi tập cần giữ lưng thẳng, nhìn về phía trước. Hãy cố gắng thực hiện từ 10 – 15 lần mỗi hiệp nhé.
☛ Đọc thêm: 8 bài tập cho người giãn tĩnh mạch chân cực hiệu quả
Bên cạnh điều trị bằng phương pháp y khoa, người bệnh cần kết hợp với các biện pháp hỗ trợ như cải thiện chế độ ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi giúp cải thiện bệnh hiệu quả. Đừng quên dành thời gian thể dục thể thao phù hợp mỗi ngày nhé.
Đọc thêm: 17 lời khuyên hữu ích cho người bị giãn tĩnh mạch chân
Ý kiến của bạn