17 lời khuyên hữu ích cho người bị giãn tĩnh mạch chân

Giãn tĩnh mạch chân là tình trạng các van tĩnh mạch chân bị suy yếu khiến máu khó hồi về tim, bị ứ đọng lại trong lòng tĩnh mạch gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho người mắc như đau nhức, nặng chân, sưng phù, chuột rút, tê mỏi… Bệnh nếu không được chăm sóc điều trị sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm như giãn vỡ tĩnh mạch, huyết khối sâu, loét chân… Do đó, để phòng ngừa và cải thiện giãn tĩnh mạch chân, người bệnh có thể tham khảo một số lời khuyên hữu ích sau:

1. Hạn chế đứng hoặc ngồi lâu một tư thế

Đứng hoặc ngồi quá lâu một tư thế chính là nguyên nhân hàng đầu gây suy giãn tĩnh mạch chân. Vì thế để cải thiện/tránh mắc bệnh thì bạn nên thay đổi tư thế thường xuyên, đồng thời di chuyển chân và bàn chân liên tục để kích thích tuần hoàn máu.

2. Nâng cao chân khi nằm

Khi nằm ngủ hoặc nghỉ ngơi, thư giãn bạn có thể dùng gối kê để nâng chân lên cao hơn tim khoảng 15cm. Việc làm này sẽ hỗ trợ máu từ chân hồi về tim dễ dàng hơn, giảm triệu chứng suy giãn tĩnh mạch.

☛Xem chi tiết: Tư thế ngủ phù hợp cho người bị giãn tĩnh mạch chân

3. Sử dụng vớ y khoa

Vớ y khoa là loại vớ được dùng trong điều trị suy giãn tĩnh mạch chân, giúp tạo áp lực từ ngoài vào trong, nhờ đó trợ tĩnh mạch, đưa máu về tim, ngăn máu trào ngược xuống bàn chân, giảm tình trạng chân bị sưng phù hay xuất hiện cục máu đông. Bạn nên đeo vớ giãn tĩnh mạch vào buổi sáng khi chân còn chưa sưng và theo hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả cao nhất.

☛ Đọc thêm: Hướng dẫn cách đo size vớ tĩnh mạch

4. Tập thể dục thường xuyên

Người bị giãn tĩnh mạch chân nên tập thể dục mỗi ngày để cải thiện sức khỏe cũng như tăng cường tuần hoàn máu. Bạn nên chọn những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga… tránh tập những bài tập quá sức gây áp lực lên chân như nhảy dây, đẩy ta, chạy cường độ cao.

☛ Đọc thêm: 10 bài tập yoga cho người giãn tĩnh mạch

5. Giảm cân

Nếu bạn đang bị thừa cân hoặc béo phì thì nên giảm cân ngay bởi cân nặng quá cao sẽ làm tăng áp lực lên tĩnh mạch và gây khó khăn cho máu lưu thông, từ đó làm tăng nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch hoặc khiến triệu chứng của bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Bạn nên áp dụng một chế độ ăn uống cân bằng và hợp lý để giảm cân hiệu quả, an toàn. Không được giảm cân tiêu cực bằng cách nhịn ăn hoặc sử dụng thuốc, việc này sẽ gây những hậu quả xấu cho sức khỏe.

6. Ăn nhiều chất xơ và vitamin C

Chất xơ giúp ngăn ngừa táo bón – một trong những nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch. Còn vitamin C giúp tăng cường sức bền thành mạch và phòng ngừa viêm tĩnh mạch. Vậy nên, bạn cần ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạt, ngũ cốc… để cung cấp đủ chất xơ và vitamin C cho cơ thể.

7. Uống đủ nước hàng ngày

Cung cấp đủ nước cho cơ thể hàng ngày không chỉ giúp duy trì độ ẩm cho da mà còn có tác dụng làm loãng máu, giảm độ nhớt của máu, giúp máu lưu thông tốt, hạn chế và ngăn ngừa giãn tĩnh mạch. Bạn nên uống đủ từ 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày để cơ thể khỏe mạnh.

8. Hạn chế uống rượu và hút thuốc lá

Rượu và thuốc lá chứa các hoạt chất gây hại cho tim mạch đồng thời làm giảm khả năng co bóp của tĩnh mạch, khiến máu lưu thông kém, làm các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch trở nên nặng hơn. Vì thế, bạn cần hạn chế uống rượu và cố gắng bỏ hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe.

9. Tránh mặc quần áo chật

Mặc quần áo chật có thể gây cản trở tuần hoàn máu và làm tăng áp lực lên tĩnh mạch. Thay vào đó, bạn nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái để hạn chế mắc suy giãn tĩnh mạch.

10. Mang giày vừa vặn

Đi giày vừa vặn, không đứng trên giày cao gót quá lâu sẽ giúp cải thiện triệu chứng giãn tĩnh mạch chân hiệu quả. Bạn nên chọn giày có độ cao từ 3-4cm là lý tưởng nhất bởi giày quá cao hoặc quá thấp đều không tạo ra đủ áp lực hồi lưu tĩnh mạch tốt, dễ khiến máu bị ứ đọng gây giãn tĩnh mạch.

11. Tránh nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp

Nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp có thể làm co thắt hoặc giãn nở tĩnh mạch, gây khó khăn cho máu lưu thông. Vì thế, bạn nên tránh tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời hoặc không khí lạnh.

12. Massage chân khi ngủ

Massage chân nhẹ nhàng trước khi ngủ sẽ giúp máu được lưu thông tốt hơn, giảm các triệu chứng mà suy giãn tĩnh mạch chân gây ra. Bạn nên massage bắt đầu từ bàn chân, sau đó hướng lên phía bắp chân và đùi sẽ giúp hồi lưu tĩnh mạch tốt hơn.

13. Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Trong một số trường hợp bị suy giãn tĩnh mạch, bạn sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc để cải thiện triệu chứng, chẳng hạn như: thuốc tăng cường trương lực tĩnh mạch, thuốc chống đông máu, thuốc chống viêm… Lúc này, bạn cần tuân thủ đúng liều lượng và thời gian sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, đồng thời báo cáo ngay nếu gặp phải tác dụng phụ.

14. Điều trị các bệnh lý liên quan

Có những bệnh lý là căn nguyên hoặc có thể khiến tình trạng giãn tĩnh mạch trở nên trầm trọng hơn như các bệnh tim mạch, bệnh gan, bệnh thận, tiểu đường, viêm khớp… Vì thế, bạn cần điều trị các bệnh lý này càng sớm càng tốt để phòng tránh hoặc cải thiện giãn tĩnh mạch.

15. Tham gia các nhóm hỗ trợ

Bạn có thể tìm kiếm, tham gia các nhóm hỗ trợ cho người bị giãn tĩnh mạch để chia sẻ kinh nghiệm, cảm xúc và nhận được sự động viên từ những người cùng cảnh ngộ. Ngoài ra, bạn cũng có thể học hỏi được nhiều thông tin bổ ích và cập nhật về bệnh từ các nhóm hỗ trợ này. Hiện nay, các hội nhóm này rất phổ biến trên các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok…

16. Thực hiện phẫu thuật nếu cần thiết

Nếu các biện pháp điều trị không mang lại hiệu quả hoặc bệnh đã ở giai đoạn nặng, bạn có thể được khuyến cáo thực hiện phẫu thuật để loại bỏ hoặc làm teo các tĩnh mạch bị giãn. Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để chọn phương pháp phù hợp nhất với tình trạng của mình.

17. Thăm khám định kỳ

Bạn cần duy trì một lối sống lành mạnh để phòng ngừa tái phát bệnh. Đồng thời bạn nên đi khám định kỳ để theo dõi tình trạng của tĩnh mạch và sức khỏe tổng thể. Nếu mang thai hoặc sử dụng một số loại thuốc tác dụng lên mạch máu, bạn cần báo cho bác sĩ vì chúng có thể làm các triệu chứng giãn tĩnh mạch của bạn tái phát hoặc xấu đi.

☛ Đọc thêm: Phòng bệnh giãn tĩnh mạch chân với 9 cách đơn giản

Trên đây là những lời khuyên hữu ích dành cho người bị giãn tĩnh mạch. Hi vọng những thông tin này đã giúp bạn có thêm phần nào kiến thức chăm sóc đôi chân và tĩnh mạch khỏe mạnh hơn. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể để lại bình luận phía dưới, chúng tôi sẽ giải đáp tận tình và chi tiết nhất.

Ý kiến của bạn

Responsive Menu Clicked Image