Nguyên nhân thiếu sắt ở trẻ và cách phòng trị

Thiếu sắt gây thiếu máu và là nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn, còi cọc, chậm lớn và thường xuyên ốm vặt. Phát hiện nguyên nhân gây thiếu sắt ở trẻ cha mẹ sẽ có biện pháp phòng trị thiếu sắt một cách hiệu quả. Sau đây là 9 nguyên nhân gây thiếu sắt thường gặp ở trẻ, cha mẹ cùng tham khảo nhé.

Nguyên nhân thiếu sắt ở trẻ em

Sắt có vai trò quan trọng đối với sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ. Thiếu sắt gây thiếu máu và dẫn tới nhiều hệ lụy về sức khỏe. Cùng tìm hiểu một số nguyên nhân chính gây thiếu sắt ở trẻ để có biện pháp phòng trị hiệu quả.

1. Thiếu sắt từ trong bụng mẹ

Khi còn trong bụng mẹ, thai nhi không chỉ nhận dưỡng chất để phát triển và hoàn thiện mà còn dự trữ sắt trong giai đoạn này. Đối với trẻ sinh đủ tháng đủ ngày sẽ tích lũy khoảng 25 – 3.000 mg sắt. Lượng sắt dự trữ này sẽ được cơ thể dùng dần cho quá trình tạo máu trong 3 – 4 tháng đầu sau sinh.

Tuy nhiên, đối với trường hợp bé sinh non, sinh đôi hoặc có mẹ bị thiếu máu trong thai kỳ cũng sẽ khiến trẻ sinh ra không đủ lượng sắt tích trữ gây thiếu sắt thiếu máu ở trẻ.

2. Tốc độ tăng trưởng nhanh

Với những bé có tốc độ phát triển về thể chất và cân nặng, đặc biệt là trẻ sinh non. Do đó, nhu cầu sắt dùng để tạo máu cũng tăng cao. Chế độ ăn uống của bé lại chủ yếu là sữa nên không đủ cung cấp lượng sắt cần thiết. Đối với trẻ sinh non, trẻ tăng trưởng nhanh, các chuyên gia khuyến cáo bên cạnh sữa mẹ, cần bổ sung thêm các nguồn dinh dưỡng khác để tăng dự trữ sắt.

3. Trẻ biếng ăn

Lượng sắt dự trữ của trẻ chỉ đủ dùng đến khi trẻ được 4-6 tháng tuổi. Lúc này, nguồn cung cấp sắt duy nhất của trẻ là thông qua chế độ ăn uống. Nếu trẻ thường xuyên biếng ăn, bỏ bú thì chắc chắn trẻ sẽ thiếu sắt.

Khi thiếu sắt, trẻ sẽ mệt mỏi, chán chường với những hoạt động bình thường, do đó trẻ biếng ăn. Trẻ biếng ăn lại gây ra tình trạng thiếu sắt. Cứ thế tạo  thành 1 vòng tròn luẩn quẩn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Do đó, mẹ hãy tăng cường các loại thực phẩm giàu sắt cho con để cân bằng được lượng sắt trẻ cần.

4. Chế độ ăn thiếu sắt

Sữa mẹ giàu dinh dưỡng nhưng lại chứa hàm lượng sắt khá thấp (0,35mg/lít). Sau 6 tháng tuổi, lượng sắt dự trữ của trẻ dần cạn kiệt, lúc này trẻ bú mẹ hoàn toàn mà không cung cấp sắt qua chế độ ăn dặm nguy cơ cao bị thiếu sắt. Hoặc kết hợp món ăn giàu sắt với những thực phẩm làm giảm hấp thu sắt. Do đó, mẹ hãy xây dựng cho bé chế độ ăn uống phong phú để phòng ngừa thiếu sắt.

5. Cho trẻ ăn dặm sớm

Ăn dặm quá sớm (trước 6 tháng tuổi) có thể gây thiếu sắt. Nguyên nhân là do khả năng hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn của bé chưa tốt, ăn dặm sớm khiến bé bú ít đi, cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, trong đó có vi chất sắt. Bên cạnh đó, ăn dặm sớm còn làm tổn thương hệ tiêu hóa của bé, ảnh hưởng tới hấp thu sắt.

6. Uống sữa bò, sữa dê nhiều

Thành phần của sữa bò, sữa dê chứa nhiều canxi, việc uống quá nhiều sữa khiến canxi cạnh tranh hấp thu với sắt khiến sắt không được hấp thu vào cơ thể. Uống quá nhiều sữa còn khiến trẻ no nhanh, không ăn thêm các thực phẩm giàu sắt khác nên dễ bị thiếu hụt sắt. Ngoài ra, một số trường hợp còn bị kích ứng dạ dày khi uống sữa bò. Do đó, mẹ nên hạn chế cho bé uống sữa bò trong năm đầu tiên.

7. Trẻ hấp thu sắt kém

Nếu bổ sung mọi thực phẩm giàu sắt cho bé mà tình trạng thiếu sắt không được cải thiện thì rất có thể do bé hấp thu sắt kém. Nguyên nhân trẻ hấp thu sắt kém do tiêu chảy kéo dài, thiểu toan dạ dày, rối loạn hấp thu hoặc có dị dạng ở dạ dày, ruột…

8. Mắc bệnh đường ruột

Nhiễm giun tóc, giun kim, giun móc… gây tổn thương đường ruột, rỉ máu kéo dài gây thiếu máu thiếu sắt. Ngoài ra, việc đường ruột tổn thương khiến trẻ hấp thu sắt kém. Có thể nói, nhiễm giun móc là nguyên nhân thường gặp nhất ở trẻ, lâu ngày gây nên mất sắt mạn tính.

9. Bệnh lý khác

Các bệnh lý thường gặp ở trẻ như cảm cúm, bệnh lý tiêu hóa, dị ứng sữa bò,… hoặc các bệnh lý ít gặp hơn như giảm hấp thu sắt, xuất huyết rỉ rả kéo dài, thiếu transferrin bẩm sinh, sắt không vào được tủy xương đều làm giảm hấp thu sắt và tăng nguy cơ thiếu sắt thiếu máu.

Tùy vào mức độ thiếu sắt mà trẻ có dấu hiệu hay không. Nếu triệu chứng đã xuất hiện thì mức độ thiếu máu ở mức trầm trọng như thường xuyên quấy khóc, da xanh tái, hay cáu gắt… Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường, nhất là đối tượng có nguy cơ cao cần đưa trẻ tới bệnh viện để kiểm tra sớm. Phát hiện sớm và bổ sung kịp thời sẽ đảm bảo trẻ có sức khỏe và phát triển bình thường.

Hướng dẫn bổ sung và phòng ngừa tình trạng thiếu sắt ở trẻ

– Đối với trẻ sơ sinh đủ tháng, cân nặng đạt chuẩn, chế độ dinh dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời vẫn đảm bảo đủ cung cấp lượng sắt cần thiết để tạo máu do dự trữ sắt trong thai kỳ. Do đó, trẻ sơ sinh khỏe mạnh dưới 6 tháng tuổi không cần bổ sung thêm sắt ngoài sữa mẹ, chỉ cần đảm bảo bé bú đủ lượng và cữ cần thiết là được.

Tham khảo: Bổ sung axit folic trong thai kỳ

Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, lượng sắt dự trữ dần cạn kiệt, mẹ cần bổ sung thêm sắt cho bé thông qua chế độ ăn dặm giàu sắt. Mẹ có thể xem xét bổ sung sắt qua các chế phẩm sắt như thuốc lỏng. Song nên có chỉ định của bác sĩ. Việc bổ sung sắt dạng này chủ yếu được dùng khi trẻ không thể ăn dặm với thức ăn đặc.

– Đối với trẻ sinh non, nhẹ cân, cần bổ sung sắt cho bé từ sớm. Bắt đầu từ khi bé được 1 tháng tuổi cho tới khi 12 tháng. Nên bổ sung sắt liên tục với hàm lượng 2mg/kg/ngày. Lượng sắt tối đa hấp thu mỗi ngày không quá 15mg

– Với trẻ ăn dặm, bổ sung sắt thông qua các thực phẩm giàu sắt như:

  • Nguồn động vật: Các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu, thịt dê…), hải sản, trứng, thịt gia cầm, nội tạng động vật.
  • Nguồn thực vật: Các loại rau màu xanh lá đậm, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, trái cây khô, bí ngô…

Mẹ nên kết hợp với các thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường hấp thu sắt. Các thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, cà chua, bưởi, ổi, dâu tây, ớt chuông…

Khi bổ sung sắt cho trẻ, mẹ cần tránh cho trẻ dùng thực phẩm giàu canxi (sữa, chế phẩm từ sữa), đồ uống có ga… làm giảm hấp thu sắt.

Tham khảo: Bổ sung sắt và vitamin C cho bé

– Sử dụng các sản phẩm bổ sung sắt:

Nếu bé lười ăn, mẹ có thể sử dụng các chế phẩm bổ sung sắt để phòng ngừa thiếu sắt ở trẻ. Một số trẻ có nguy cơ cao thiếu sắt cần bổ sung như trẻ sinh non, nhẹ cân; trẻ thiếu máu, thiếu sắt, da nhợt nhạt; trẻ biếng ăn, chế độ ăn uống thiếu sắt…

Cha mẹ không tự ý bổ sung chế phẩm sắt cho trẻ có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Việc bổ sung sắt cần đúng liều lượng, theo chỉ định của bác sĩ.

Nên bổ sung sắt trước ăn 1 giờ hoặc sau ăn 2 giờ vì sắt được hấp thu tốt nhất khi bụng đói. Với những trẻ có đường tiêu hóa nhạy cảm, dễ xảy ra buồn nôn thì nên được bắt đầu với liều thấp, sau đó tăng tới liều điều trị mà bác sĩ đã chỉ định.

Hướng dẫn bé vệ sinh răng miệng sau khi uống sắt để tránh trường hợp các thành phần của thuốc có thể khiến răng trẻ sậm màu hơn.

Để xa tầm tay trẻ em, tránh gây ngộ độc thuốc.

Tham khảo: Bổ sung sắt cho trẻ trong bao lâu?

– Tẩy giun định kỳ cho trẻ, bắt đầu từ khi trẻ được 1 tuổi.

Thiếu sắt ở trẻ thường gây mệt mỏi, lười ăn, giảm tập trung, suy giảm trí nhớ, thậm chí ảnh hưởng xấu tới quá trình phát triển. Do đó, việc xác định được nguyên nhân có ý nghĩa quan trọng trong phòng trị bệnh.

Nguồn: Fogyma.vn

Ý kiến của bạn

Responsive Menu Clicked Image